MỘT SỐ BÀI TẬP PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TRONG BỆNH SUY GIÃN TĨNH MẠCH CHI DƯỚI

MỘT SỐ BÀI TẬP PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TRONG BỆNH SUY GIÃN TĨNH MẠCH

 

Suy giãn tĩnh mạch chi dưới hay là sự suy giảm chức năng đưa máu trở về tim của hệ thống tĩnh mạch nằm ở vùng chân dẫn đến hiện tượng máu ứ đọng lại sẽ gây ra những biến đổi về huyết động và biến dạng tổ chức mô xung quanh. Bệnh gây nhức mỏi, nặng chân, phù chân, tê dị cảm, kiến bò, chuột rút về ban đêm... có thể dẫn đến các biến chứng khó chữa như chàm da, loét chân không lành, chảy máu, giãn lớn các tĩnh mạch nông, viêm tĩnh mạch nông huyết khối, huyết khối tĩnh mạch sâu...

Theo YHCT, Bệnh này thuộc phạm trù các chứng: "Cân lựu "mạch tý ", "Thấp sang","Kiêm tý ", "Ác Mạch", "Ác Mạch Bệnh", "Xích Mạch Bệnh", "Thanh Xà Tiên", "Thanh Độc Xà", "Hoàng Thu UngThất”. Bệnh thường do các nguyên nhân sau:

  • Thấp Nhiệt Uẩn Kết: ăn uống không điều độ, thích ăn thức cao lương mỹ vị (chất béo), cay nóng khiến cho Tỳ Vị mất chức năng kiện vận, thủy thấp không được vận chuyển đi, uất lại lâu ngày hóa thành nhiệt, thành hỏa độc, thấp nhiệt dồn xuống mạch gây nên bệnh.

 

  • Hàn Thấp Ngưng Trệ: nhiễm hàn thấp lâu ngày, cảm hàn thấp, ngưng trệ ở kinh mạch. Thấp tà là loại dính, béo, bẩn; Hàn có tính ngưng trệ, làm tổn thương phần dưới cơ thể, tổn thương dương khí khiến cho khí huyết ở chân bị ngưng trệ gây nên bệnh.

 

  • Can Khí Uất Kết: Tình chí uất ức, giận dữ làm hại Can, Can mất chức năng điều giáng, sơ tiết không thông, khí uất lâu ngày làm cho khí huyết và mạch lạc không thông, huyết ứ đình tụ lại gây nên bệnh.

 

  • Tỳ Mất Chức Năng Kiện Vận: bệnh lâu ngày, đứng lâu hoặc đi bộ nhiều, làm việc mệt nhọc quá làm cho Tỳ khí hao kiệt. Tỳ chủ tứ chi, chủ thống huyết. Nếu Tỳ không thống được huyết, huyết ứ ở lạc mạch hoặc vì Tỳ hư sinh ra đờm thấp ngưng trở ở lạc mạch gây nên bệnh.

 

  • Huyết Mạch Bị Chấn Thương: Do té ngã, chấn thương, đao kiếm chém… làm cho lạc mạch bị tổn hại hoặc bị nhiễm độc hoặc do huyết bị ứ, tích tụ lại không tan đi, uất lâu ngày hóa nhiệt gây nên bệnh.

Tại bệnh viện Y dược cổ truyền Tây Ninh, chúng tôi có các phương pháp kết hợp Đông – Tây y trong điều trị bệnh suy giãn tĩnh mạch như sau:

  • Phương pháp dùng thuốc: Quý bệnh nhân có thể được điều trị bằng thuốc thang, thuốc thành phẩm, kết hợp thuốc Tây y tùy theo mức độ và tình trạng bệnh do bác sỹ khám và đánh giá.

 

  • Châm cứu: bác sỹ sẽ lựa chọn các hình thức châm như điện châm, hào châm, cấy chỉ,... với mục đích thông kinh hoạt lạc, bổ bổ, sơ can giải uất...tùy theo thể bệnh.

 

  • Xoa bóp bấm huyệt: giúp khí huyết lưu thông. Các động tác day, vuốt, bóp cơ giúp người bệnh giảm được tình trạng nặng, tê, mỏi vùng cẳng chân.

 

  • Điện xung: kích thích xung điện để làm co bóp các cơ bắp chân, cũng như các cơ ngoại vi khác. Co bóp của cơ tạo ra sức ép sâu lên bề mặt các tĩnh mạch và mạch bạch huyết làm cải thiện lưu thông máu tĩnh mạch và bạch huyết.

Nhằm đạt hiệu quả tối đa trong điều trị. Bệnh viện cũng hướng dẫn một số bài tập phục hồi chức năng đơn giản, dễ tập để Quý bệnh nhân có thể tập luyện thêm tại nhà: 

a. Bài tập ở tư thế nằm, mỗi bài tập thực hiện từ 2 đến 3 lần mỗi ngày:

         Gấp và duỗi ở tư thế nằm: Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, hai chân duỗi thẳng, nâng chân trái lên khỏi mặt giường cách khoảng 15 đến 20cm sau đó tập duỗi khớp cổ chân, rồi gấp khớp cổ chân tối đa từ 10 - 15 lần. Đưa chân trái về tư thế ban đầu, tập tương tự như vậy đối với chân phải.

       Xoay khớp cổ chân: Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, nâng chân trái lên khỏi mặt giường khoảng 15 - 20cm, sau đó từ từ xoay khớp cổ chân từ phải sang trái rồi ngược lại, tập như vậy từ 10 - 15 lần. Đưa chân trở lại mặt giường, chân phải tập tương tự như vậy

    Bắt chéo chân: Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, hai chân duỗi thẳng, nâng hai chân lên khỏi mặt giường rồi bắt chéo chân trái qua chân phải rồi ngược lại từ 10 - 15 lần. Đưa hai chân về tư thế ban đầu trên mặt giường.

  • Đạp xe đạp: Bệnh nhân nằm ngửa trên giường hoặc bàn tập, đưa cao hai chân lên cao, gấp khớp háng và khớp gối rồi tập như đang đạp xe đạp, tập động tác đó liên tục từ 10 - 15 lần. Đưa hai chân về tư thế ban đầu trên mặt giường.

 

b. Bài tập ngồi trên ghế, mỗi bài tập thực hiện từ 2 đến 3 lần mỗi ngày:

  • Nâng cẳng chân: Người tập ngồi trên ghế có chiều cao phù hợp để hai chân sát trên sàn nhà, khớp cổ chân, khớp gối, khớp háng vuông góc, lưng phải thẳng đứng, toàn bộ cơ thể dồn vào hai mông và hai chân. Đưa chân phải lên cao, rồi duỗi thẳng chân phải, đưa chân phải về lại vị trí, làm tương tự với chân trái, mỗi chân từ 10 - 15 lần, sau đó tập cả 2 chân.

  • Nhón gót chân: Người tập ngồi trên ghế với chiều cao vừa phải sau đó thực hiện bài tập nhón gót chân luân phiên lần lượt mỗi chân, khi đã quen rồi thì dùng cả hai chân cùng một lúc, tập từ 10 - 15 lần.

  • Gấp và duỗi khớp cổ chân: Người tập ngồi trên ghế có chiều cao phù hợp như bài tập ở trên sau đó nâng chân trái lên khỏi sàn nhà, duỗi thẳng rồi tập gấp và duỗi khớp cổ chân trái đến mức tối đa (hết tầm vận động) từ 10 - 15 lần, rồi đưa chân trái về vị trí ban đầu, tập tương tự với chân phải từ 10 - 15 lần.

  • Xoay khớp cổ chân: Người tập ngồi trên ghế, hai bàn chân đặt trên sàn nhà cách nhau khoảng 20cm, sau đó nâng mũi bàn chân phải lên khỏi sàn nhà chỉ có gót chân sát trên sàn nhà rồi tập xoay khớp cổ chân vào trong, ra ngoài từ 10 - 15 lần, rồi tập tương tự với chân trái và cả hai chân.

  • Gấp, duỗi luân phiên hai chân: Người tập ngồi trên ghế, thực hiện tập nhấc từng chân lên khỏi sàn nhà khoảng 15 - 20cm, gấp các khớp như cổ chân, khớp gối, khớp háng rồi duỗi thẳng chân đó ra, tiếp tục tập như vậy từ 10 - 15 lần, rồi tập tương tự với chân còn lại.

c. Bài tập ở tư thế đứng

  • Gập và uốn cong bàn chân: Gập bàn chân phải hướng vào cơ thể, sau đó duỗi và uốn cong về phía trước. Thực hiện 10 lần rồi đổi sang bàn chân trái.

  • Xoay cổ chân: Bắt đầu với chân trái, xoay cổ chân bàn chân qua bên trái 10 lần, qua bên phải 10 lần. Sau đó thực hiện lặp lại với chân phải

  • Đi tại chỗ: Nâng cao chân, đi tại chỗ 20 bước

  • Ngồi xuống và đứng lên nhón chân: Bắt đầu với tư thế đứng thẳng lưng. Ngồi xuống khoảng 3 giây rồi đứng lên, nhón chân và giữ nguyên trong 3 giây, sau đó trở về tư thế ban đầu. Thực hiện 20 lần.

  • Đi nhón chân: Nhón hai bàn chân di chuyển 20 bước.

 
  • Đi bằng gót chân: Dùng gót chân di chuyển 20 bước.


    Với
các bài tập trên đây, Quý bệnh nhân có thể luyện tập tại nhà từ 15 – 30 phút mỗi ngày. Nếu tình trạng bệnh nặng hoặc mong muốn điều trị thêm các phương pháp khác, Quý bệnh nhân có thể đến khám và điều trị nội trú, nội trú ban ngày hoặc ngoại trú tại Bệnh viện Y dược cổ truyền Tây Ninh. 


Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 111
  • Trong tuần: 1 726
  • Tất cả: 57112

Liên hệ với chúng tôi

Địa chỉ: 233 Đường Nguyễn Hữu Thọ, KP Hiệp Thạnh, Phường Hiệp Ninh, Thành phố Tây Ninh, Tỉnh Tây Ninh

Điện thoại: 02763841183 - Fax: 02763841183

E-mail: bvyhctt@tayninh.gov.vn

Website:bvydcttayninh.ytetayninh.vn