Cải thiện giao tiếp hiệu quả giữa nhân viên y tế bằng mô hình an toàn người bệnh và hệ thống báo cáo phòng ngừa sự cố y khoa trong bệnh viện

Cải thiện giao tiếp hiệu quả giữa nhân viên y tế bằng mô hình an toàn người bệnh và hệ thống báo cáo phòng ngừa sự cố y khoa trong bệnh viện

 

Hiện nay vấn đề An toàn người bệnh (ATNB) là mục tiêu hàng đầu của các cơ sở khám chữa bệnh, Bộ Y tế đã ban hành Thông tư số 43/2018/TT-BYT ngày 26/12/2018 Hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, để đảm bảo ATNB, trong đó có vấn đề báo cáo sự cố y khoa tại các bệnh viện hiện nay chưa được quan tâm đúng mức, vẫn còn tình trạng cá nhân, khoa, phòng có tâm lý e dè, ngại báo cáo, thậm chí không báo cáo nên công tác quản lý sự cố y khoa trong bệnh viện còn nhiều hạn chế, thiếu hiệu quả; hơn nữa, nhận biết sai sót và học từ sai sót sự cố y khoa là một yếu tố quan trọng để nâng cao ATNB; một cơ sở y tế bảo đảm an toàn sẽ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo được chữ tín trong lòng người bệnh. Từ đó, sẽ thu hút người đến khám bệnh và giữ chân được người bệnh ở lại điều trị tại bệnh viện ngày càng nhiều hơn.

Bệnh viện Y dược cổ truyền Tây Ninh là Bệnh viện chuyên khoa đầu ngành của tỉnh, hoạt động trong lĩnh vực khám chữa bệnh về YHCT và Phục hồi chức năng, được xếp hạng II, với quy mô 150 giường bệnh.Trong công tác ATNB, năm 2019 một nhóm nghiên cứu* đang công tác tại bệnh viện đã thực hiện một nghiên cứu“Đánh giá thực trạng an toàn người bệnh tại Bệnh viện Y dược cổ truyền Tây Ninh” với mục tiêu tìm ra nguyên nhân để thực hiện cải tiến chất lượng khám chữa bệnh của bệnh viện. Kết quả nghiên cứu cho thấy 25% nhân viên y tế (NVYT) đánh giá mức độ ATNB tại khoa chỉ đạt ở mức “Chấp nhận được” và 3 yếu tố được đánh giá văn hóa ATNB trong bệnh viện thấp gồm: “Cởi mở thông tin về sai sót” (64,1%), “Nhân lực” (54,4%) và “Hành xử không buộc tội khi có sai sót” (59,7%).

Phân tích kết quả nghiên cứu, nhóm nhận thấy khi NVYT chưa nhận thức đúng mức về vấn đề ATNB thì rất khó để thay đổi hành vi khám và điều trị cho người bệnh. Do đó, trong những năm 2019 – 2020, các báo cáo về ATNB tại bệnh viện là không có nhưng thực tế có thể không tuyệt đối như vậy, vì kết quả cho thấy sự nhận thức, thái độ và hành vi của NVYT tại bệnh viện vẫn còn nhiều hạn chế, nhất là hiểu biết đúng về những nội dung báo cáo liên quan đến ATNB, như: tần suất báo cáo sai sót, sự cố tự nguyện và bắt buộc; vấn đề hành xử không buộc tội khi xảy ra sai sót và thông tin giao tiếp giữa nhân viên với nhân viên. Khi xác định được nguyên nhân nêu trên năm 2022 nhóm tác giả nghiên cứu* đã đề xuất một sáng kiến “Giải pháp nâng cao an toàn người bệnh thông qua việc cải thiện giao tiếp hiệu quả giữa nhân viên y tế bằng mô hình an toàn người bệnh và hệ thống báo cáo sự cố y khoa” với việc cung cấp thông tin của báo cáo sự cố y khoa với biểu mẫu phiếu báo cáo sự cố, sai sót (theo Thông tư 43/2018/TT-BYT) bằng việc số hóa các mẫu phiếu báo cáo này thành form điện tử và đường dẫn link trên website hoặc cài đặt trên màn hình máy tính tại các khoa, sau đó tất cả các báo cáo dữ liệu được tải về một tài khoản gmail quản lý báo cáo sự cố, sai sót tại phòng Kế hoạch tổng hợp – Công nghệ thông tin (các nội dung này được bảo mật, không có tên).

Với kết quả sáng kiến trên giúp cho các cá nhân, khoa, phòng mạnh dạn báo cáo sự cố y khoa, nâng cao giao tiếp, cởi mở thông tin giữa nhân viên y tế với nhau để rút ra những bài học quý giá từ sự cố y khoa và xây dựng các biện pháp phòng ngừa hữu hiệu sự cố y khoa liên quan, cũng như nhiều sai sót khác không để xảy ra trong bệnh viện;

Ngoài ra, sáng kiến trên còn được triển khai ứng dụng tại 2 bệnh viện (Phục hồi chức năng và Lao-Bệnh phổi), các bệnh viện đã đánh giá cao giá trị thực tế của sáng kiến khi triển khai. Việc ứng dụng này đã giúp cải thiện giao tiếp giữa NVYT, hoàn thiện hệ thống báo cáo sự cố trong chuyên môn đảm bảo an toàn cho người bệnh.

Việc triển khai ứng dụng rộng rãi sang kiến này, nhóm nghiên cứu đã đạt được ba mục tiêu cụ thể là:

- Xây dựng hệ thống ghi nhận và báo cáo sai sót, sự cố y khoa tự nguyện và bắt buộc trong bệnh viện qua các kênh trực tiếp và điện tử.

- Tăng tỷ lệ đánh giá tích cực của NVYT về hai nội dung “Cởi mở thông tin về sai sót” và “Hành xử không buộc tội” lên trên 85%.

- Tăng hiệu quả giao tiếp giữa nhân viên với nhân viên và sự làm việc nhóm liên khoa.

* Đánh giá về phạm vi ảnh hưởng của sáng kiến:

- Sáng kiến đã tác động đến nhận thức, thái độ và hành vi của NVYT về thực hành ATNB trong công tác chuyên môn. Đặc biệt qua hai lớp tập huấn về ATNB và giao tiếp hiệu quả đã mở rộng về kiến thức ATNB ở một số nội dung như: “Không đánh đổi sự ATNB để làm được nhiều việc hơn”, NVYT thấy được “ATNB là ưu tiên hàng đầu của bệnh viện”.

- Sáng kiến giúp ích trong việc cải cải thủ tục hành chính, việc số hóa các mẫu phiếu báo cáo thành form điện tử và dẫn link trên website hoặc cài đặt trên màn hình máy tính các khoa: đảm bảo sự bảo mật (tất cả báo cáo được tải về 1 tài khoản gmail, cóphân công người quản lý).

- Sáng kiến bảo đảm đúng với quy định của Bộ Y tế về hướng dẫn phòng ngừa sự cố y khoa trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh (theo Thông tư 43/2018/TT-BYT). Đáp ứng yêu cầu, đảm bảo đạt điểm quy định theo Bộ tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện của Bộ Y tế đề ra (quy định ở tiểu mục D2.2 của Bộ Tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện).

          * Việc áp dụng sáng kiến này đem lại lợi ích:

- Đối với người bệnh: Được khám và điều trị trong môi trường đảm bảo an toàn, thụ hưởng chất lượng khám chữa bệnh hiệu quả cao của bệnh viện; phục hồi sức khỏe nhanh và bền vững cho người bệnh; tạo nên sự hài lòng cho người bệnh và niềm tin khi đến khám bệnh và điều trị tại Bệnh viện Y dược cổ truyền Tây Ninh.

- Lợi ích cho bệnh viện: Nâng cao được chất lượng khám chữa bệnh từ sự bảo đảm ATNB; tạo môi trường làm việc tin tưởng lẫn nhau, mang lại niềm tin yêu của người bệnh đối với bệnh viện, tăng sự hài lòng của người bệnh và tăng uy tín của bệnh viện. Tiết kiện kinh phí cho đơn vị do không sử dụng báo cáo giấy và giúp nâng cao tính bảo mật.

- Với nhân viên y tế: Tạo điều kiện thuận lợi cho người báo cáo (bằng máy tính, điện thoại thông minh) mà không có bất kỳ đồng nghiệp hay người khác biết. Từ đó, không còn rào cản e ngại báo cáo của nhân viên y tế khi có các sự cố xảy ra; tạo được không khí giao tiếp thoải mái của NVYT.

Việc triển khai sáng kiến từ việc chuyển báo cáo sự cố y khoa để bảo đảm ATNB sang số hóa là một giải pháp hiệu quả, mang lại lợi ích to lớn trong việc thực hiện nhiệm vụ chăm sóc sức khoẻ nhân dân, góp phần phát triển chuyên môn của các bệnh viện. Trong thời gian tới sáng kiến cần được giới thiệu, chia sẻ rộng rãi để ứng dụng trong ngành y tế tỉnh nhà nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người bệnh.

Từ hiệu quả thực tế đã nêu trên, Hội đồng Khoa học kỹ thuật Sở Y tế đã công nhận sáng kiến cấp cơ sở năm 2022 (theo Quyết định số 3427/QĐ-SYT ngày 14/12/2022  của Sở Y tế Tây Ninh về việc công nhận sáng kiến cấp cơ sở năm 2022) và được Sở Y tế đề nghị Sở Khoa học và Công nghệ trình Ủy ban nhân dân tỉnh công nhận sáng kiến cấp tỉnh (theo Quyết định số 1131/QĐ-UBND ngày 19/5/2023 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tây Ninh về việc công nhận sáng kiến cấp tỉnh năm 2022)

* Tác giả Ths Nguyễn Thị Kim Lan

Thông tin mới nhất
Thống kê truy cập
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 111
  • Trong tuần: 1 726
  • Tất cả: 57112

Liên hệ với chúng tôi

Địa chỉ: 233 Đường Nguyễn Hữu Thọ, KP Hiệp Thạnh, Phường Hiệp Ninh, Thành phố Tây Ninh, Tỉnh Tây Ninh

Điện thoại: 02763841183 - Fax: 02763841183

E-mail: bvyhctt@tayninh.gov.vn

Website:bvydcttayninh.ytetayninh.vn